Đợt kiểm tra phòng mạch tư vừa qua của sở Y tế TP.HCM nhận được nhiều đồng tình của người dân, và theo thông tin mới nhất, tuần này sở Y tế mời hội hành nghề y tư nhân để thông báo sẽ làm mạnh trong thời gian tới. Sự thật, chuyện vừa kê toa vừa bán thuốc, bẻ nhỏ thuốc, cắt bỏ nhãn thuốc là điều khá phổ biến ở các phòng mạch. Đơn giản vì lợi nhuận thu được từ bán thuốc thường cao hơn nhiều lần so với giá khám bệnh, nếu không làm như thế, bác sĩ không thể “khai thác” tối đa bệnh nhân, và theo suy nghĩ của không ít bác sĩ, hoá ra công sức học hành của họ không bù đắp được.
Trong thực tế, suy nghĩ này phổ biến ở nhiều bác sĩ trẻ, sau sáu năm đổ công sức học hành, khi ra trường những người này hầu như chỉ biết kiếm tiền thay vì tiếp tục học tập, phấn đấu gian khổ theo nghiệp cứu người đã chọn. Bác sĩ V. công tác tại một trung tâm tim mạch lớn nhất nhì TP.HCM, cho biết lứa bác sĩ trẻ tại đây 10 người chỉ còn 1, 2 người say mê học tiếp, số còn lại chỉ biết “chạy sô”, “mở phòng mạch” dựa vào thương hiệu nơi mình đang công tác.
Có người cho rằng hiện nay là thời buổi tiêu dùng, nhu cầu vật chất con người ngày càng nhiều, vì thế ai cũng phải lao vào kiếm tiền bằng mọi giá. Lý giải đó cũng đúng với một số bác sĩ trẻ sai phạm vừa qua, nhưng hãy nhìn lại họ làm thế cũng để “bằng anh, bằng chị”, và đặc biệt vì họ có không ít “tấm gương” từ “người thầy” để họ noi theo. Điểm lại số bác sĩ vi phạm vừa qua, một nửa là những trưởng khoa bệnh viện, giảng viên đại học y dược, thậm chí giám đốc một cơ sở y tế lớn.
Nhưng đây mới là phần nhỏ, vì theo một bác sĩ lớn tuổi trong nghề, nếu kiên quyết muốn chấn chỉnh, sở Y tế cần kiểm tra phòng mạch của những giáo sư, chủ nhiệm bộ môn trường y khoa hoặc giám đốc bệnh viện, bởi nơi đây sai phạm không phải là không có. Cách đây vài năm, thanh tra sở Y tế từng xử phạt vi phạm tại phòng mạch của GS-TS Đ.V.P theo đơn thưa của bệnh nhân, lúc đó thanh tra không chịu cung cấp chi tiết cho báo chí vì sợ ảnh hưởng… đến quan hệ. Khi nào sự thiếu minh bạch, không công bằng còn tồn tại, khi đó những sai phạm vẫn còn đất để sống.
Và để lập lại trật tự, thiết nghĩ ngành y tế cũng cần làm đồng bộ. Bác sĩ kê toa cho bệnh nhân ra ngoài mua thuốc, nhưng không ít các nhà thuốc hiện nay có tình trạng thay thuốc này bằng thuốc khác (hiệu quả không bằng), bán kèm thêm thuốc khác (có thể dẫn đến tương kỵ thuốc), không hướng dẫn bệnh nhân sử dụng… Khi đó, nếu bệnh nhân có tai biến, bác sĩ sẽ lãnh đủ. Cả TP.HCM có 6.000 phòng mạch tư nhân, nhưng chỉ có đúng một nhà thuốc chuẩn GPP (bán thuốc nghiêm túc theo toa bác sĩ). Thật đáng suy nghĩ.
theo báo sài gòn tiếp thị.
----------------
Hôm nay ngồi nghe anh Dương nói về vụ này, rồi ảnh phân tích những vấn đề liên quan tới vụ này nghĩ lại thấy ảnh nói đúng, quá đúng là đằng khác, xã hội chúng ta nếu vẫn tồn tại những vấn đề như thế này thì làm sao mà khá nổi......Handsdung
Tử vì đạo...? Thời nào cũng vậy...! Thật hiếm hoi.
Trả lờiXóa